Thị trường giao đồ ăn Trung Quốc tăng nhiệt: Có hãng nhận 78 triệu đơn/ngày

Thị trường giao đồ ăn Trung Quốc tăng nhiệt: Có hãng nhận 78 triệu đơn/ngày

Nhu cầu bùng nổ tại thị trường tỷ dân

Cách đây hai tháng, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ JD.com chính thức gia nhập thị trường giao đồ ăn tại Trung Quốc, khai trương dịch vụ “JD Waimai”. Động thái này đã làm dậy sóng thị trường quốc gia tỷ dân, đặc biệt khi JD công bố sẽ đóng bảo hiểm xã hội cho toàn bộ đội ngũ shipper chính thức, bước đi hiếm thấy trong ngành.

Hình ảnh nhà sáng lập JD - tỷ phú Lưu Cường Đông - đích thân giao hàng được lan truyền trên mạng đã tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Đến ngày 22/4, JD công bố đạt mốc 10 triệu đơn hàng/ngày, tương đương gần 1/6 số lượng đơn hàng hàng ngày của “ông lớn” kỳ cựu Meituan.

Theo South China Morning Post, vào tháng 8/2023, Meituan lập kỷ lục với 78 triệu đơn hàng mỗi ngày, gấp đôi so với 3 năm trước đó. Trong năm 2024, Meituan duy trì mức trung bình khoảng 60 triệu đơn hàng mỗi ngày.

giao do an 1.jpg
Hình ảnh nhà sáng lập JD - tỷ phú Lưu Cường Đông, đích thân giao hàng đã tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Ảnh: Sohu

Ngoài ra, JD thông báo kế hoạch tuyển dụng thêm 100.000 shipper (người giao hàng) trong 3 tháng tới để tăng tốc giành thị phần. 

Tuy nhiên, thay vì mang lại sự phấn khích cho nhà đầu tư, cuộc cạnh tranh khốc liệt lại khiến cổ phiếu của cả hai tập đoàn lao dốc. Trong 3 ngày từ 22-24/4, Meituan và JD lần lượt mất hơn 5% và 6% mỗi phiên, thổi bay tổng cộng hơn 1.000 tỷ HKD vốn hóa. Tính từ đầu năm đến 28/4, cổ phiếu Meituan đã giảm 15,36%, còn JD mất 4,25%, theo Sohu Business.

Giữa cơn sốt cạnh tranh, câu hỏi quan trọng được đặt ra: liệu giao đồ ăn có thật sự mang lại lợi nhuận? Theo số liệu được JD trích dẫn, hiện có tới hơn 60% nhà hàng tại Trung Quốc đang hoạt động không có lãi. Trong khi đó, một số nền tảng giao đồ ăn khác lại công bố mức lợi nhuận gộp lên tới hơn 40%. 

Tuy vậy, JD tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra dự báo về lợi nhuận của mảng giao đồ ăn, với mục tiêu biên lợi nhuận ròng không vượt quá 5%.

Sự thận trọng này không phải không có lý. Dữ liệu từ Meituan cho thấy, năm 2021, mảng giao đồ ăn Trung Quốc chỉ đạt biên lợi nhuận hoạt động khoảng 6,4%, thấp hơn nhiều so với các mảng dịch vụ tại chỗ như đặt phòng khách sạn hay ăn uống trực tiếp, vốn có biên lợi nhuận lên đến 43,3%. 

Đến năm 2024, khi gộp chung các mảng kinh doanh chính của Meituan như giao đồ ăn, giao hàng nhanh và đặt bàn nhà hàng (gọi chung là "thương mại địa phương"), biên lợi nhuận cũng chỉ đạt 20,9%.

Bức tranh toàn ngành cho thấy lợi nhuận không mấy khả quan. Theo báo cáo tháng 4/2024 của JP Morgan, biên lợi nhuận ròng sau thuế của 9 nền tảng giao đồ ăn lớn trên thế giới chỉ dao động từ 1,5-3,3%, mức trung bình là 2,2%. Riêng Meituan nhỉnh hơn, đạt 2,8%, song vẫn là con số khá khiêm tốn khi so với mức độ rủi ro và số vốn đầu tư khổng lồ mà ngành này yêu cầu.

Tranh cãi quanh phí hoa hồng

Một trong những điểm nóng trong cuộc tranh luận là tỷ lệ hoa hồng, yếu tố quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến cả nền tảng giao đồ ăn và các nhà hàng. 

Theo Meituan, họ chỉ thu từ 6-8% phí dịch vụ kỹ thuật từ nhà hàng. Thế nhưng, nhiều chủ quán lại cho rằng thực tế họ phải trả tới 25-30% khi tính cả các khoản phí như quảng cáo, giao hàng, bảo hiểm, khuyến mãi... Một số người ví hoa hồng này như “tiền thuê mặt bằng” trong thế giới trực tuyến.

giao do an 2.jpg
Đằng sau hàng chục triệu đơn hàng mỗi ngày là thực tế: giao đồ ăn không dễ kiếm tiền như tưởng tượng. Ảnh: Tech in Asia

So sánh quốc tế cho thấy vấn đề này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Nền tảng giao đồ ăn lớn tại Mỹ DoorDash áp dụng cấu trúc phí gồm 6% phí cơ bản, cộng thêm 15-30% phí giao hàng tùy gói dịch vụ và thu thêm 15% từ người dùng, khiến tổng số phí có thể lên tới 51%. 

Tại Trung Quốc, sau đợt cải cách vào năm 2021, Meituan đã chia cấu trúc hoa hồng thành hai phần: phí dịch vụ kỹ thuật - tương đương với hoa hồng nền tảng mà nhà hàng phải trả khi sử dụng dịch vụ của Meituan, và phí thực hiện đơn hàng - chỉ áp dụng nếu nhà hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ giao hàng của Meituan thay vì tự vận hành đội ngũ giao hàng riêng.

Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch trong cơ cấu chi phí vẫn là nguyên nhân gây tranh cãi giữa nhà hàng và nền tảng.

Dòng tiền đằng sau các đơn hàng

Theo báo cáo tài chính năm 2024, Meituan đạt doanh thu tổng cộng 3.376 tỷ NDT, trong đó mảng thương mại địa phương đóng góp 2.502 tỷ - chiếm hơn 74%. Nếu xét chi tiết, 3 nguồn thu chính của Meituan đến từ:

- Phí giao hàng (phí thực hiện): 980,7 tỷ NDT (29,05%)

- Phí hoa hồng (dịch vụ kỹ thuật): 922,9 tỷ NDT (27,33%)

- Quảng cáo trực tuyến: 488,4 tỷ NDT (14,47%)

Tổng cộng, Meituan đã thu về hơn 1.400 tỷ NDT từ các nhà hàng qua hoa hồng và quảng cáo. Con số này cho thấy tiềm năng tài chính đáng kể. Tuy nhiên, biên lợi nhuận vẫn ở mức khá mỏng.

Cuộc cạnh tranh giao đồ ăn giữa JD và Meituan đang mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến siêu ứng dụng tại Trung Quốc. Nhưng đằng sau những đơn hàng tăng vọt là một thực tế lạnh lùng: giao đồ ăn không dễ kiếm tiền như tưởng tượng.

Với biên lợi nhuận mỏng và chi phí vận hành cao, chỉ những công ty tài chính mạnh và chiến lược dài hơi mới có thể trụ lại trong khi các nhà hàng vẫn phải gánh chịu phần lớn chi phí.

Tử Huy

(Theo Sohu)

Tin tức mới nhất

'Cha tôi người ở lại' tập 36: Liên làm lộ tình cảm thực sự Nguyên dành cho An

'Cha tôi người ở lại' tập 36: Liên làm lộ tình cảm thực sự Nguyên dành cho An

9X Nghệ An lấy cô gái Nhật, ngày cưới bố vợ 'sốc' vì được chúc rượu liên miên

9X Nghệ An lấy cô gái Nhật, ngày cưới bố vợ 'sốc' vì được chúc rượu liên miên