Đầu tư đất nền khi sáp nhập tỉnh thành: Điều đặc biệt chú ý để tránh rủi ro

Đầu tư đất nền khi sáp nhập tỉnh thành: Điều đặc biệt chú ý để tránh rủi ro

Đầu tư đất nền ở đâu?

Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, cho biết, thị trường đất nền tại Hà Nội và một số vùng ven bắt đầu tăng giá từ quý I/2024, đến nay giá đã tăng trung bình khoảng 50%.

Theo ông Quê, không nên đầu tư đất nền tại Hà Nội và Hưng Yên vì mặt bằng giá ở các khu vực này đã quá cao.

Trong khi đó, một số tỉnh như Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên... vẫn có thể xem xét đầu tư, mặc dù giá đất ở các khu vực này gần đây cũng đã tăng khoảng 10-30%.

Tại khu vực miền Trung, ông Quê nhận định, giá bất động sản đã tăng nóng trong giai đoạn 2021 đến đầu 2022, nhưng sau đó đã trải qua đợt giảm sâu.

“Nếu đầu tư, nên lựa chọn những nơi gắn với nhu cầu thực về ở, có nhiều công trình lớn. Ngược lại, các khu vực xa khu dân cư, thiếu hạ tầng trọng điểm, không có động lực tăng giá thì không nên xuống tiền.

Lối lên xuống các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam cũng là cơ hội để đầu tư. Ngoài ra, đất ven biển ở các tỉnh có mặt bằng giá còn rẻ cũng là lựa chọn tiềm năng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi 'đón đầu' không đúng chỗ, dễ rơi vào tình trạng chôn vốn lâu dài”, ông Quê lưu ý.

W-dau tu dat nen.jpg
Theo chuyên gia, đầu tư đất nền cần chú ý đến quy hoạch và pháp lý. Ảnh: Thạch Thảo

Còn tại miền Nam, ông Quê đánh giá, một số thị trường như TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc... cũng đang có nhiều cơ hội đầu tư, khi bất động sản tại đây vẫn còn nhiều dư địa phát triển và sức bật về giá.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Asian Holding, cho biết: Trước các thông tin liên quan đến sáp nhập tỉnh, thành, giới đầu tư quan tâm nhiều hơn đến phân khúc đất nền. Tuy nhiên, theo ông, việc đầu tư đất nền thời điểm này không nên chạy theo tâm lý đám đông.

“Đầu tư đất nền hay bất kỳ loại bất động sản nào cũng cần xem xét kỹ yếu tố vị trí, bao gồm: có gần khu công nghiệp, dự án của các chủ đầu tư lớn, hoặc thuận tiện kết nối với các tuyến đường vành đai hay không.

Đặc biệt, phải nắm chắc pháp lý của bất động sản đó; nếu chưa phân lô tách thửa, chưa có sổ đỏ... mà đầu tư FOMO (sợ bỏ lỡ - PV) rủi ro rất lớn”, ông Hậu nói.

Đầu tư đất nền thế nào để tránh rủi ro?

Theo Chủ tịch Tập đoàn G6, tùy theo tốc độ phát triển, nhà đầu tư quan tâm đến các bất động sản có giá trị khác nhau.

Đơn cử, tại các đô thị, những mảnh đất có giá 2-3 tỷ đồng được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất. Nhưng tại các đô thị mới phát triển, vùng ven, nhà đầu tư lại thích lựa chọn những sản phẩm giá chỉ 1-2 tỷ đồng. Còn với những sản phẩm trên 5 tỷ, nhà đầu tư cân nhắc vì tính thanh khoản thấp.

So với các phân khúc khác, ông Nguyễn Anh Quê đánh giá đất nền vẫn là “kênh đầu tư vua” nhờ vào tính thanh khoản cao, tổng giá trị đầu tư nhỏ, khả năng tăng giá và mức lợi nhuận lớn nhất.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của phân khúc đất nền chính là vấn đề quy hoạch và pháp lý. Do đó, ông Quê cho rằng, nhà đầu tư không nên quá sợ bỏ lỡ cơ hội khi giá tăng nóng.

“Khi lựa chọn đầu tư bất động sản, cần đặc biệt lưu ý đến yếu tố quy hoạch và pháp lý. Ngoài ra, không nên lạm dụng đòn bẩy tài chính, tránh trường hợp phải bán tháo khi thị trường đi xuống.

Những khu vực đã tăng giá trên 30% trong 15 tháng qua, hoặc có vị trí đặc biệt tiềm năng nhưng giá đã tăng trên 50%, sẽ không phù hợp với nhà đầu tư theo kiểu ‘lướt sóng’. Tuy nhiên, nếu đầu tư dài hạn, vẫn có thể xem xét cân nhắc”, ông Quê chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh khuyến nghị, khi đánh giá cơ hội đầu tư từ thông tin sáp nhập tỉnh, nhà đầu tư cần phân tích kỹ các yếu tố như: kinh tế, văn hóa, hạ tầng và năng lực quản lý của địa phương.

Theo ông, giá trị bất động sản chỉ thực sự được hưởng lợi nếu đi cùng tăng trưởng kinh tế địa phương và cải thiện môi trường đầu tư. Do đó, nhà đầu tư không nên “lướt sóng” theo kỳ vọng tăng giá ngắn hạn.

“Cần đầu tư một cách có chọn lọc, dựa trên phân tích dữ liệu thực tế và đánh giá tính tương thích vùng. Đây sẽ là chìa khóa giúp tránh rủi ro khi thị trường biến động”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, giá bất động sản đã tăng quá cao, đạt đỉnh vào giữa năm 2022. Vì vậy, thời gian tới, thị trường sẽ phát triển ổn định hơn và khó có thể tăng nóng trở lại.

“Vùng kinh tế nào phát triển thì bất động sản sẽ phát triển theo. Câu chuyện sáp nhập tỉnh, thành cùng với các chính sách điều hành của Nhà nước sẽ giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

Việc giảm số lượng đầu mối hành chính, tập trung vào các thành phố lớn đã có nền tảng ổn định, sẽ không tạo ra cơ sở để bất động sản ở các khu vực ven tăng giá đột biến. Thậm chí, quá trình sáp nhập có thể hạn chế tình trạng sốt đất ở những tỉnh, thành mới thành lập”, ông Hiển nhận định.

Ông cũng khuyến cáo: “Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thị trường, lựa chọn phân khúc mà mình am hiểu nhất, tránh đầu tư theo tâm lý đám đông hay sợ bỏ lỡ cơ hội. Không nên ‘đánh bắt xa bờ’ vào những khu vực rủi ro cao, thiếu thông tin rõ ràng”.

Đất nền 'sốt xình xịch' vì tin đồn sáp nhập tỉnh: Cơ hội vàng hay bẫy rủi ro?Những tin đồn chưa được xác thực về việc sáp nhập các tỉnh với nhau đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ, khiến họ vội vàng xuống tiền mua đất, tạo nên một cơn “sóng” nhỏ trên thị trường.

Tin tức mới nhất

Dự báo thời tiết 24/4/2025: Không khí lạnh, mưa to cục bộ ở miền Bắc

Dự báo thời tiết 24/4/2025: Không khí lạnh, mưa to cục bộ ở miền Bắc

Trúng độc đắc, người đàn ông chôn vé số trong vườn cho an toàn

Trúng độc đắc, người đàn ông chôn vé số trong vườn cho an toàn

Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Mưa giông chuyển mùa, nguy cơ lốc sét, gió giật

Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Mưa giông chuyển mùa, nguy cơ lốc sét, gió giật