Cụ ông U80 gần 30 năm bán bánh trên vỉa hè, thẫn thờ khi khách hỏi về vợ

Cụ ông U80 gần 30 năm bán bánh trên vỉa hè, thẫn thờ khi khách hỏi về vợ

Xe bánh hẹ trên vỉa hè của ông Huy. Video: Hà Nguyễn

Mưu sinh

Buổi sáng, khi miếu Thiên Hậu (quận 5, TPHCM) mở cửa đón khách tham quan, cũng là lúc ông Phùng Đình Huy (79 tuổi) đẩy xe bánh hẹ của mình ra vỉa hè phía đối diện chờ người mua.

Chiếc xe nặng, cao quá đầu người khiến đôi chân vốn đã yếu của ông thêm đau nhức. Trên xe có tủ kính nhỏ chất đầy những chiếc bánh hẹ. Cạnh tủ là chiếc chảo tròn bằng nhôm đã méo mó, hằn dấu vết thời gian.

Ông Huy đã bán món bánh truyền thống của người Hoa tại đây gần 30 năm qua. Dù vậy, đây không phải là nghề chính của ông.

W-muu sinh 1.JPG.jpg
Ông Huy đặt xe bánh hẹ với tấm bảng hiệu bạc màu theo thời gian trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Hà Nguyễn 

Trước đó, ông là thợ sắt. Để đủ tiền nuôi 3 người con, ông Huy làm đủ việc nặng nhọc. Ở nhà, vợ ông ra vỉa hè bán dạo để có thêm thu nhập.

Thấy đoạn vỉa hè nằm đối diện miếu Thiên Hậu và trường Mạch Kiếm Hùng đông người qua lại, bà đẩy xe ra đó, ngồi bán bánh tét. Tuy vậy, bà không có duyên với món bánh này.

Buôn bán ế ẩm, bà chuyển sang bán bánh hẹ. Món bánh làm từ bột gạo được nhiều học sinh, khách đến viếng miếu mua, thưởng thức. Từ đó, bà gắn bó với món bánh truyền thống này.

Ông Huy làm thợ sắt đến khi già yếu, không được ai thuê nữa thì nghỉ hẳn, ra vỉa hè bán bánh với vợ cho đỡ buồn.

Lật nhanh chiếc bánh đang cháy xèo xèo dưới lòng chảo, ông Huy nói: “Sau khi nghỉ làm nghề sắt, tôi ra đây bán bánh hẹ với vợ. Thấm thoắt đã được gần 30 năm.

Bà ấy mất hơn một năm nay rồi. Bà ấy đi trước, tôi vẫn bán bánh hẹ. Công việc này không đem lại thu nhập nhiều nhưng cũng không mấy nặng nhọc, phù hợp với tình trạng sức khỏe của tôi bây giờ”.

Cô đơn

Để tiết kiệm thời gian, công sức, ông Huy nhận bánh đã chín từ lò bánh quen về bán. Khi có khách, ông mới chiên lại trên chiếc chảo tròn. Tùy theo yêu cầu của khách, ông có thể chiên thêm trứng gà.

Mỗi chiếc bánh sau khi chiên, ông bán với giá 9.000 đồng. Bánh được ăn chung với nước mắm ngọt, cà rốt bào sợi. Vị bánh béo, vỏ giòn, thơm mùi bột chiên, ăn cùng nước mắm ngọt rất hợp vị.

Dù vậy, món bánh này khá kén người ăn. Trước đây, mỗi ngày ông Huy chỉ bán được khoảng 70 cái. Những ngày mưa gió, ông chỉ biết ngồi bó gối, hy vọng có khách vãng lai đến mua.

Ông kể: “Trước đây, dọc vỉa hè này có nhiều người bán bánh hẹ lắm nhưng rồi không ai trụ nổi. Vợ chồng tôi còn trụ lại là nhờ bán đã lâu, có khách quen.

Dù vậy, buôn bán rất khó khăn. Hôm nào đắt hàng lắm, tôi cũng chỉ bán được 70-80 cái. Sau khi có người quay phim, giới thiệu trên mạng xã hội, tôi được nhiều người ủng hộ hơn. Giờ tôi bán khoảng 100 cái bánh/ngày".

W-muu sinh 16.JPG.jpg
Mỗi khi bán chậm, ông thường nhắm mắt, ngủ ngồi. Ảnh: Hà Nguyễn

Hiện nay, ông Huy sống cùng người con thứ 3 trong ngôi nhà của bố mẹ để lại. Mỗi tháng, các con vẫn chu cấp cho ông một số tiền nhỏ.

Dù vậy, ông thấy con cái ai cũng có cuộc sống, gia đình riêng, không muốn lệ thuộc, trở thành gánh nặng. Ông cố gắng mưu sinh bằng việc bán bánh mỗi ngày.

Từ ngày vợ mất, ông lủi thủi bên xe bánh. Những lúc đông khách, chiên bánh không kịp, ông mới gọi con gái ra giúp.

W-muu sinh 14.JPG.jpg
Sau khi được giới thiệu trên mạng xã hội, ông được nhiều người mua bánh ủng hộ. Ảnh: Hà Nguyễn

Lúc vắng khách, ông lại ngồi một mình, hướng ánh mắt xa xăm vào dòng người lướt qua trước mặt. Ông tâm sự: “Lúc còn trẻ, vợ chồng tôi cố gắng kiếm tiền nuôi con.

Dù khó khăn, vợ chồng cũng đồng cam cộng khổ, chỉ nghĩ đến các con chứ không ai nghĩ cho riêng mình. Sau này tôi yếu, ra bán bánh chung với bà ấy, vợ chồng hỗ trợ nhau, người chiên bánh, người dọn bàn, rửa chén. 

Những hôm trời mưa, bánh ế, vợ chồng lại cùng ngồi chờ khách. Thế nên khi bà ấy ra đi, tôi thấy trống vắng lắm. Bây giờ, mỗi lúc vắng khách, ngồi một mình tôi lại nhớ bà ấy.

Bán ở đây lâu, vợ chồng tôi có nhiều khách quen, đặc biệt là các cháu từng học ở trường Mạch Kiếm Hùng. Các cháu ra trường, lập gia đình nhưng lâu lâu vẫn ghé mua bánh.

W-muu sinh 15.JPG.jpg
Ông Huy cảm thấy trống vắng, buồn thương khi khách vô tình hỏi thăm người vợ quá cố của mình. Ảnh: Hà Nguyễn

Các cháu cũng như nhiều khách quen khác, mỗi lần đến mua bánh đều trò chuyện với vợ tôi. Nay đến mua không thấy bà ấy, ai cũng tìm, hỏi thăm. Khi được tôi cho biết bà ấy mất rồi, ai cũng buồn.

Phần mình, mỗi khi có người hỏi thăm, tôi lại nhớ đến bà ấy nên cũng rất buồn".

Ông lão Hà Nội nuôi vịt như thú cưng, chiều chiều dắt đi dạo phố

Ông lão Hà Nội nuôi vịt như thú cưng, chiều chiều dắt đi dạo phố

Hình ảnh ông lão râu tóc bạc phơ chống gậy dắt vịt đi dạo phố đã trở nên quen thuộc với người dân phường Phạm Đình Hổ nhiều tháng qua.
Ông lão 71 tuổi chăm chỉ làm shipper, thu nhập hơn 700 nghìn mỗi ngày

Ông lão 71 tuổi chăm chỉ làm shipper, thu nhập hơn 700 nghìn mỗi ngày

HÀN QUỐC – Ở tuổi 71, ông Cho Sung-whoi vẫn đi làm để vừa kiếm thêm thu nhập, bổ sung vào đồng lương hưu eo hẹp vừa có thêm niềm vui.
Ông lão U80 mê màu 'thủy chung', có căn nhà đẹp như mơ giữa vườn hoa rực sắc tím

Ông lão U80 mê màu 'thủy chung', có căn nhà đẹp như mơ giữa vườn hoa rực sắc tím

Lão nông U80 ở Đồng Tháp phủ tím nhà cửa, vật dụng, quần áo và say mê các loại hoa trái, cây cối có màu tím.

Tin tức mới nhất

Dự báo thời tiết 24/4/2025: Không khí lạnh, mưa to cục bộ ở miền Bắc

Dự báo thời tiết 24/4/2025: Không khí lạnh, mưa to cục bộ ở miền Bắc

Trúng độc đắc, người đàn ông chôn vé số trong vườn cho an toàn

Trúng độc đắc, người đàn ông chôn vé số trong vườn cho an toàn

Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Mưa giông chuyển mùa, nguy cơ lốc sét, gió giật

Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Mưa giông chuyển mùa, nguy cơ lốc sét, gió giật