Còn nhiều tài nguyên bỏ trống, Hà Nội tính 'kế' phát triển du lịch MICE

Còn nhiều tài nguyên bỏ trống, Hà Nội tính 'kế' phát triển du lịch MICE

Hiện nay, du lịch MICE đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với các loại hình du lịch thông thường. Theo ước tính của các doanh nghiệp lữ hành, chi tiêu của khách du lịch MICE có thể cao gấp 3-4 lần so với khách mua tour thông thường. Chính vì thế, nhiều nước trong khu vực và thế giới đã có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất để phát triển du lịch MICE, điển hình như: Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… 

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thành phố đã có kế hoạch thúc đẩy phát triển dòng sản phẩm du lịch MICE, sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp, "hiến kế" từ các chuyên gia, doanh nghiệp để có cái nhìn đầy đủ, khách quan về tiềm năng du lịch MICE của Hà Nội cũng như giải pháp giúp Hà Nội nhanh chóng xây dựng, phát triển dòng sản phẩm này.

Tiềm năng phát triển

Theo ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch CLB Du lịch MICE Việt Nam, Hà Nội có bốn lợi thế lớn trong phát triển sản phẩm du lịch MICE.

Thứ nhất, Hà Nội mảnh đất ngàn năm văn hiến, địa linh nhân kiệt chứa đựng nhiều di tích lịch sử văn hoá vật thể và phi vật thể. Yếu tố này giúp cho người làm MICE xây dựng được sản phẩm đặc trưng, có điểm nhấn và cạnh tranh được với sản phẩm thành phố khác, quốc gia khác. Thứ hai, Hà Nội là thủ đô, là trung tâm kinh tế và chính trị cả nước và đầu mối giao lưu quốc tế, Hà Nội là thành phố vì hoà bình, là thành phố an ninh an toàn tốt. Yếu tố này giúp người làm sản phẩm tối đa hoá chi phí do không phải dự phòng biến chuyển và đưa được sự tương tác, kết nối người dân bản địa trong sản phẩm.

Thứ ba, đây là thành phố tập trung nhiều nhân sự có chuyên môn làm du lịch, sự kiện, nghệ thuật, kỹ thuật tay nghề cao và nhiều công ty đầu tư trang thiết bị hiện đại và đồng bộ. 

Bên cạnh đó, ông Đức Anh đánh giá, Hà Nội cũng đã có một số không gian công cộng có thể tổ chức sự kiện lớn, nhiều khu sinh thái thiên nhiên. Yếu tố này đa dạng lựa chọn của khách hàng tổ chức không gian ngoài trời thay vì trong nhà và giải quyết được bài toán số lượng lớn người trong sự kiện.

Một sự kiện MICE được tổ chức tại công viên Bách Thảo Hà Nội (Ảnh: Vietnam Mice Club)

Thực tế, Hà Nội từng tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế lớn như: Hội nghị Cấp cao APEC (năm 2006), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên (năm 2019) và gần đây nhất là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31)... Điều đó cho thấy, Hà Nội hoàn toàn có năng lực tổ chức cho nhiều đoàn khách quốc tế quan trọng cũng như có khả năng phát triển dòng sản phẩm du lịch MICE.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng, trong đó có 598 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng 1-5 sao, chiếm 17% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Ngoài ra, Hà Nội cũng có các cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, bao gồm: 31 cơ sở mua sắm, 23 nhà hàng, 8 khu vui chơi giải trí, 1 khu thể thao. Việc sở hữu nhiều cơ sở lưu trú cao cấp cùng các dịch vụ chất lượng là cơ sở để Hà Nội có thể đón những đoàn khách lớn đến tổ chức sự kiện và lưu trú.

Ông Erwin R. Popov, Giám đốc Điều hành khách sạn Hà Nội Daewoo nhận định, Hà Nội có nhiều giá trị văn hóa để phát triển du lịch MICE. Trong cơ cấu kinh doanh của khách sạn, du lịch MICE luôn được coi trọng, đóng góp 50% doanh thu của khách sạn. Loại hình này không có mùa vụ như du lịch thông thường, có thể khai thác ở cả mùa thấp điểm. 

"Điểm nghẽn" tồn tại

Mặc dù được nhiều chuyên gia nhận định có tiềm năng để phát triển du lịch MICE, nhưng đến nay loại hình du lịch này vẫn chưa phải là thế mạnh của Hà Nội.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, tuy Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở lưu trú dịch vụ, tuy nhiên, thành phố vẫn thiếu những trung tâm tổ chức sự kiện với đầy đủ dịch vụ về lưu trú, ăn uống, tổ chức hội họp, giải trí khép kín có quy mô lớn, có thể phục vụ từ 1.000 người trở lên.

Tại "Diễn đàn Du lịch MICE Thành phố Hà Nội" diễn ra ngày 15/12/2022, nhiều doanh nghiệp "than trời" khi gặp khó trong việc tìm nơi tổ chức các sự kiện từ 500 khách, nhất là trong thời điểm đầu năm, cuối năm - khi các đơn vị tổ chức tiệc liên hoan, hay mùa tổ chức tiệc cưới. Điều này khiến nhiều đơn vị du lịch hướng khách hàng chuyển sang các tỉnh, thành lân cận như Quảng Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình...

Bà Nguyễn Thanh Bình, Vụ phó Vụ Khách sạn Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: "Cơ sở lưu trú tại Hà Nội nhiều nhưng sản phẩm lưu trú chưa đa dạng, còn đơn điệu. Ví dụ như thời điểm tổ chức SEA Games 31, Hà Nội đón một lượng du khách đạo Hồi lớn, tuy nhiên ít đơn vị lưu trú có các nhà hàng tại chỗ phục vụ chuyên nghiệp ẩm thực đạo Hồi. Đó cũng là hạn chế khiến chúng ta khó thu hút những đoàn khách lớn".

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch CLB Du lịch MICE Việt Nam còn đề cập tới các yếu tố kìm hãm sự phát triển của du lịch MICE tại Hà Nội như: Thủ tục xin phép tổ chức phức tạp, chi phí cao; Thiếu hợp tác xây dựng gói sản phẩm du lịch MICE giữa các nhà cung cấp, các khách sạn, nhà tổ chức; Giá dịch vụ đầu vào thường xuyên không ổn định, đặc biệt những chi phí về địa điểm tổ chức. Và đặc biệt, Hà Nội hiện nay chưa có nhiều sản phẩm độc đáo, đặc trưng mang hương vị MICE Hà Nội như: Các show diễn, vở diễn, chương trình nghệ thuật...

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thừa nhận, rất nhiều tài nguyên sẵn có của thành phố đang bị "bỏ trống". Các không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn và Thành cổ Sơn Tây, là những nơi có thể tổ chức được các sự kiện lớn, mà thời gian qua chưa khai thác được nhiều. 

Chuyên gia, doanh nghiệp "hiến kế"

Các chuyên gia ngành du lịch, đại diện doanh nghiệp cho rằng Hà Nội cần có quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng với nhiều loại hình dịch vụ chất lượng, trong đó cần có những địa điểm có số lượng phòng lưu trú lớn để du khách có thể vừa tổ chức sự kiện, vừa trải nghiệm các dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí.

Với những địa điểm, công trình, không gian sẵn có, doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo thành phố tạo điều kiện thuận lợi để khai thác du lịch MICE như hệ thống công viên, vườn hoa, các địa điểm Văn hóa - Lịch sử, một số trường học có kiến trúc độc đáo...

"Qua thực tế công việc với khách hàng và tiềm năng Hà Nội, chúng tôi nhận thấy: Hà Nội có quá nhiều dư địa hạ tầng và các không gian có giá trị văn hoá, lịch sử để làm nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm du lịch MICE đặc trưng Hà Nội. Việc sử dụng các dư địa giải quyết được bài toán không gian tổ chức sự kiện, giúp cho sự kiện được đông người và đáp ứng đa dạng nhu cầu. Việc lồng ghép các giá trị văn hoá, lịch sử vào sản phẩm du lịch MICE giúp cho Hà Nội có được sản phẩm đặc trưng riêng biệt, tạo ấn tượng và là sản phẩm cạnh tranh với các thành phố khác", ông Đức Anh bày tỏ quan điểm.

Một sự kiện du lịch MICE được tổ chức tại ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội mới đây (Ảnh: Vietnam Mice Club)

Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy (Đại học Quốc gia Hà Nội) gợi mở Hà Nội nên phát triển thêm sản phẩm du lịch đêm với du lịch MICE để thu hút dòng khách cao cấp.

Một số đại diện đơn vị lữ hành đề nghị thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp đi khảo sát những địa điểm có thể tổ chức MICE trên địa bàn, từ đó có kế hoạch truyền thông, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch MICE một cách bài bản. 

Việc truyền thông tốt qua phim ảnh, âm nhạc đã góp phần giúp Hàn Quốc phát triển du lịch MICE nhanh chóng, nổi bật là Hội nghị thượng đỉnh G20 Seoul 2010 với hơn 10.000 khách mời tham dự, hay Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 đã thu hút trên 1,57 triệu lượt khách quốc tế đến với Hàn Quốc.

Địa điểm tổ chức sự kiện MICE của Hàn Quốc là cả một hệ thống trải rộng trên khắp đất nước rất hiện đại và độc đáo, gồm: 15 trung tâm hội nghị triển lãm kết nối chặt chẽ với 8 sân bay quốc tế. Không gian sự kiện giàu tính trải nghiệm, kết hợp không gian sự kiện với các chức năng chuyên môn của địa điểm như bảo tàng, trường đua, trung tâm nghệ thuật… Hàn Quốc cũng có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn cho các đoàn khách MICE để thu hút khách đến với xứ sở kim chi.

Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đề xuất Hà Nội quan tâm hơn đến việc giới thiệu tinh hoa ẩm thực Hà Nội trong các bữa ăn của khách hoặc có thể kết hợp cho du khách trải nghiệm các dòng sản phẩm du lịch trên sông Hồng, tàu hỏa qua cầu Long Biên, các buổi biểu diễn thực cảnh… Đặc biệt, Hà Nội cũng cần nghiên cứu đặc tính nhu cầu của từng thị trường khách hàng cụ thể để có sản phẩm du lịch Mice phù hợp.

Hà Nội đang đặt các mục tiêu lớn, đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế), đóng góp vào GRDP thành phố đạt trên 8%. Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định đơn vị này sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp để tìm giải pháp phát triển du lịch MICE trong thời gian gần nhất.

Tin tức mới nhất

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Gia Lai: Khởi tố 11 thanh thiếu niên về hành vi 'giết người'

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Bản tin tài chính sáng 31/10/2023: Giá vàng, dầu và USD cùng đi xuống

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023