Có phải làm lại sổ đỏ sau sáp nhập tỉnh; ông chủ cao ốc vừa cháy lớn ở Hà Nội
Chủ nhật, 20/04/2025 14:24
Có phải làm lại sổ đỏ sau sáp nhập tỉnh; ông chủ cao ốc vừa cháy lớn ở Hà Nội
Giá đất bị ‘thổi’ sau phiên đấu giá: Dân bất ngờ, chuyên gia vạch điểm vô lý
Gần đây, đất trúng đấu giá vùng ven Hà Nội vượt 100 triệu đồng/m2 đã xuất hiện trở lại. Không chỉ vậy, sức nóng của các cuộc đấu giá đất cũng lan sang nhiều tỉnh thành khác ghi nhận mức giá trúng đấu giá cao kỷ lục.
Biểu đồ: Hồng Khanh
Đánh giá về thực trạng đất đấu giá thời gian qua, ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thẳng thắn nhìn nhận, có hiện tượng đẩy giá. Điều này khiến giá đất của một xã, một vùng chỉ qua một phiên đấu giá vài chục thửa đất có thể lập tức tăng lên, thiết lập mặt bằng giá mới. Mức giá này khiến chính người dân địa phương phải ngạc nhiên.
Ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản SGO Homes, cho rằng, việc giá trúng đấu giá cao hơn gấp đôi so với giá thị trường trong khi hạ tầng, quy hoạch tại khu vực không đổi là điều rất vô lý, có vấn đề.
Sau sáp nhập tỉnh, người dân có phải làm lại sổ đỏ?
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có công văn hướng dẫn việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Với sổ đỏ đã cấp qua các thời kỳ, Bộ này cho biết, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, không bắt buộc người dân thực hiện chỉnh lý đồng loạt sổ đỏ đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai.
Việc chỉnh lý, thay đổi thông tin của thửa đất bao gồm số tờ, số thửa, địa chỉ trên sổ đỏ đã cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Thông tư số 10 năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Ai là chủ đầu tư tòa nhà từng rơi kính làm bác sĩ bị thương, nay lại cháy lớn?
Tòa nhà số 1 Thái Hà Việt Tower (quận Đống Đa, Hà Nội) nơi vừa xảy ra vụ cháy lớn khiến hàng trăm người tháo chạy chiều 18/4, cũng là nơi từng ghi nhận sự cố rơi kính xảy ra tại cửa hàng The Coffee House khiến một nữ khách hàng bị thương nặng.

Chủ đầu tư tòa nhà Việt Tower là Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư Tài chính Hòa Bình, nay đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hòa Bình. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2003 bởi CTCP Tập đoàn Thái Bình (Thái Bình Group) và Công ty TNHH MTV Thống Nhất.
Theo thông tin từ Cổng Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia, bà Nguyễn Thị Chi hiện là người đại diện theo pháp luật. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê, cụ thể là kinh doanh văn phòng, căn hộ, khách sạn.
Uỷ ban Cạnh tranh đưa ra loạt lưu ý khi mua bán căn hộ chung cư
Thị trường căn hộ chung cư tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại các thành phố lớn, do nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, đi kèm với đó, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khi tham gia giao dịch mua bán căn hộ chung cư, đặc biệt là khi ký kết các hợp đồng mua bán theo mẫu do chủ đầu tư đơn phương soạn thảo.
Để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch mua bán căn hộ chung cư, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) khuyến nghị người dân cần lưu ý một số điều. Từ kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hợp đồng theo mẫu, đọc kỹ hợp đồng trước khi ký kết đến tìm hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng.
Đầu tư đất nền khi sáp nhập tỉnh thành: Điều đặc biệt chú ý để tránh rủi ro
Đất nền, phân khúc được đánh giá là 'kênh đầu tư vua' đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm trước thông tin về sáp nhập tỉnh thành.
Theo chuyên gia, thị trường đất nền tại Hà Nội và một số vùng ven bắt đầu tăng giá từ quý I/2024, đến nay giá đã tăng trung bình khoảng 50%. Vì vậy, không nên đầu tư đất nền tại Hà Nội và Hưng Yên vì mặt bằng giá ở các khu vực này đã quá cao.
Đầu tư đất nền hay bất kỳ loại bất động sản nào cũng cần xem xét kỹ yếu tố vị trí, bao gồm: có gần khu công nghiệp, dự án của các chủ đầu tư lớn, hoặc thuận tiện kết nối với các tuyến đường vành đai hay không. Đặc biệt, phải nắm chắc pháp lý của bất động sản đó; nếu chưa phân lô tách thửa, chưa có sổ đỏ... mà đầu tư FOMO (sợ bỏ lỡ - PV) rủi ro rất lớn.

Xây nhà ở nhiều năm trên đất khai hoang có được cấp sổ đỏ?

Cảnh nhếch nhác trong dự án du lịch 100 triệu USD bên bờ biển Vũng Tàu
