Cách nào để Việt Nam có Trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ toàn cầu?

Cách nào để Việt Nam có Trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ toàn cầu?

Cần khung pháp lý hoàn chỉnh cho Trung tâm tài chính

Trong định hướng phát triển hai trung tâm tài chính quốc tế (IFC), TPHCM sẽ hướng tới trở thành một trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ toàn cầu, trong khi trung tâm tại Đà Nẵng sẽ mang tầm cỡ khu vực.

Cả hai trung tâm đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò của hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính”, do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng 16/4, bà Lưu Ánh Nguyệt - Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo nghị quyết về xây dựng IFC.

Ban soạn thảo đã thảo luận chi tiết về bộ máy quản lý, bộ máy giám sát, đặc biệt chú trọng đến các chính sách thuế ưu đãi, chính sách đất đai và các chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư,… đồng thời nghiên cứu phương án quản lý nhà nước đối với các giao dịch tài sản mã hoá.

“Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam phải kết nối toàn cầu, thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam, tạo đột phá về thể chế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, bà Nguyệt nhấn mạnh.

Theo đại diện Bộ Tài chính, để thu hút các tổ chức tài chính đến với hai trung tâm tại Đà Nẵng và TPHCM, ngoài khung pháp lý hoàn chỉnh, cần có chính sách thuế ưu đãi, đảm bảo sự ổn định cũng như kiểm soát rủi ro phát sinh từ các khu vực này, tránh “khuếch đại” rủi ro ảnh hưởng đến thị trường nội địa.

Lưu Ánh Nguyệt.jpg
Bà Lưu Ánh Nguyệt chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: TBNH.

Theo ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, NHNN, có thể nhận diện nhiều cách thức, điều kiện khác nhau để thành lập IFC ở các quốc gia, nhưng đối với Việt Nam, việc thành lập IFC còn khó khăn và mang tính đặc thù, không chỉ ở quy mô dân số, địa lý,... mà còn bởi khung pháp lý hiện hành.

Ông Long dẫn chứng, quy định giao dịch vốn, tự do hóa dòng vốn là một điều kiện quan trọng để thành lập IFC. Hiện nay, Việt Nam vẫn áp dụng các quy định chặt chẽ về vấn đề này. Các cam kết quốc tế của Việt Nam với các đối tác thương mại vẫn bao gồm những yêu cầu nhằm bảo vệ thị trường trong nước. Trong điều kiện hiện tại, việc cấp phép mở thêm các định chế tài chính, ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn đang được quản lý rất chặt chẽ. 

“Làm sao để tạo ra một khung pháp lý vừa đảm bảo cho IFC hoạt động hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô là một thách thức. Chúng tôi hiểu rằng, hoạt động ngân hàng truyền thống trong IFC sẽ không nhiều, mà hướng đến các hoạt động ngân hàng hiện đại theo thông lệ quốc tế. Do đó, việc quản lý an toàn hoạt động cũng phải được đặt lên hàng đầu,” ông Long phân tích.

Vai trò của ngành ngân hàng trong IFC

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực II, trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế, ngành ngân hàng giữ vai trò rất quan trọng, thể hiện trên ba phương diện chính.

Thứ nhất, vai trò xây dựng và tạo lập môi trường pháp lý, bao gồm xây dựng cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp theo mục đích và yêu cầu phát triển của trung tâm tài chính quốc tế.

Thứ hai, việc phát triển các định chế tài chính gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính... trong trung tâm tài chính quốc tế sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả, cạnh tranh và phát triển.

“Trong quá trình này, các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước hoạt động tại trung tâm tài chính quốc tế không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí để trở thành thành viên của trung tâm tài chính quốc tế, mà còn phải cạnh tranh để phát triển, đáp ứng các yêu cầu về ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng huy động vốn cũng như cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng trong mối liên hệ và tương tác với thị trường tài chính quốc tế”, ông Lệnh cho biết.

Thứ ba, việc khai thác vốn và sử dụng vốn hiệu quả (trong và ngoài nước) không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này, mà còn góp phần tạo động lực tăng trưởng, phát triển hệ sinh thái và nhóm các ngành dịch vụ lớn của thành phố.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Mạnh Khôi, Trưởng phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và Thị trường - VietinBank, cho rằng cần khuyến khích và hỗ trợ phát triển các sản phẩm tài chính mới, công cụ phái sinh và các sản phẩm đầu tư sáng tạo, nhằm tăng tính linh hoạt và chiều sâu cho thị trường.

Đồng thời, cần đẩy mạnh các điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán; nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số,... tiệm cận với mô hình của các trung tâm tài chính quốc tế.

Tin tức mới nhất

Dự báo thời tiết 24/4/2025: Không khí lạnh, mưa to cục bộ ở miền Bắc

Dự báo thời tiết 24/4/2025: Không khí lạnh, mưa to cục bộ ở miền Bắc

Trúng độc đắc, người đàn ông chôn vé số trong vườn cho an toàn

Trúng độc đắc, người đàn ông chôn vé số trong vườn cho an toàn

Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Mưa giông chuyển mùa, nguy cơ lốc sét, gió giật

Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Mưa giông chuyển mùa, nguy cơ lốc sét, gió giật