Biến động dữ dội, giá vàng thế giới sắp tới ra sao?
Chủ nhật, 11/05/2025 06:15
Biến động dữ dội, giá vàng thế giới sắp tới ra sao?
Giá vàng giao ngay mở đầu tuần ở mức 3.239,76 USD/ounce, đánh dấu mức thấp nhất trong tuần. Trong phiên giao dịch thứ Hai, giá vàng thế giới biến động mạnh. Tại thị trường châu Âu, các nhà giao dịch đã đẩy giá từ 3.263 USD/ounce lên 3.320 USD/ounce ngay đầu phiên.
Đến phiên giao dịch tại Bắc Mỹ, giá vàng leo lên đỉnh 3.336 USD/ounce. Đà tăng tiếp tục lan sang phiên châu Á, khi giá vọt lên 3.382 USD/ounce chỉ trong 2 giờ giao dịch đầu tiên.
Trong phiên thứ Ba, giá vàng duy trì trên ngưỡng 3.300 USD/ounce và tiếp tục tăng ổn định, đạt đỉnh cao nhất trong tuần là 3.431 USD/ounce. Tuy nhiên, do áp lực chốt lời, giá đã giảm trở lại kiểm tra mức 3.365 USD/ounce.

Phiên kế tiếp, giá vàng điều chỉnh nhẹ, dao động trong biên độ hẹp khoảng 30 USD. Sau nỗ lực không thành nhằm vượt ngưỡng 3.400 USD/ounce, giá ghi nhận đợt giảm mạnh nhất trong tuần, xuống còn 3.330 USD/ounce vào rạng sáng thứ Năm.
Thông tin về cuộc gặp giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến thị trường ghi nhận một đợt bán tháo, đẩy giá vàng về ngưỡng 3.300 USD/ounce và sau đó xuống mức thấp nhất nhiều ngày 3.277 USD/ounce khi phiên châu Á mở cửa.
Tuy nhiên, mức giá thấp đã thu hút lực mua bắt đáy từ giới đầu tư. Đến rạng sáng thứ Sáu, giá vàng giao ngay phục hồi lên 3.330 USD/ounce và giữ ổn định đến cuối tuần giao dịch.
Giá vàng trên sàn Kitco chốt tuần giao dịch ở mức 3.323 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2025 trên sàn Comex New York giao dịch ở mức 3.344 USD/ounce.
Giá vàng sắp tới sẽ thế nào?
Colin Cieszynski, chiến lược gia thị trường tại SIA Wealth Management, bày tỏ quan điểm lạc quan về triển vọng giá vàng trong thời gian tới. Ông cho rằng, đồng USD tiếp tục suy yếu, qua đó tạo động lực tăng giá cho kim loại quý. Các yếu tố như thỏa thuận thương mại của Anh hay chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tác động mạnh tới thị trường, do đó cần một sự kiện lớn mới có thể làm thay đổi xu hướng hiện tại.
Trong khi đó, Daniel Pavilonis, chuyên gia môi giới hàng hóa cấp cao tại RJO Futures, nhận định giá vàng gần đây biến động khó lường, khiến việc xác định giá trị hợp lý trên thị trường trở nên khó khăn.
Theo ông, giá vàng gần đây liên tục đảo chiều mạnh, từ mức 3.500 USD giảm xuống 3.200 USD, sau đó phục hồi lên 3.400 USD và hiện dao động quanh 3.300 USD.
Pavilonis cho rằng nguyên nhân chính là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Trung Quốc đang hướng tới một số hình thức đàm phán và khả năng hai nước sẽ xích lại gần nhau hơn. Việc dỡ bỏ hoặc giảm bớt thuế quan có thể là kết quả của tiến trình này.
Ông nhấn mạnh: "Giá vàng đã giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng giảm thuế quan trong quá trình đàm phán với Trung Quốc như một cử chỉ hòa giải. Trung Quốc và các thỏa thuận thương mại có thể sẽ là yếu tố tác động mạnh hơn đến giá vàng".
Ngoài ra, chính sách tiền tệ của Fed cũng đóng vai trò quan trọng trong triển vọng giá vàng. Chủ tịch Fed Jerome Powell đang ở trong tình thế khó xử. Theo Pavilonis, nếu Fed cắt giảm lãi suất, điều đó có thể bị hiểu là nhượng bộ áp lực chính trị từ Nhà Trắng hoặc do nền kinh tế thực sự cần hỗ trợ. Ngược lại, nếu Fed tăng lãi suất, thị trường có thể lo ngại Fed đang đánh giá sai về rủi ro lạm phát.
"Thị trường hiện ghi nhận mức lạm phát cao hơn mục tiêu 2% và có thể cần tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông Powell dường như không đề cập đến điều này", Pavilonis nhận định.
Ông cũng đặt câu hỏi: "Điều gì giữ giá vàng ở mức cao như vậy? Ngoài căng thẳng kinh tế với Trung Quốc và các biện pháp thuế quan đang làm tổn thương cấu trúc kinh tế Mỹ, còn yếu tố nào khác khiến giá vàng duy trì ở mức 3.500 USD?
Mức hợp lý có thể là 3.500 USD hay 2.800 USD? Nếu không có thỏa thuận nào đạt được và tình hình trở nên xấu hơn, liệu giá vàng có thể lên tới 4.300 hay 4.500 USD không?"
Theo ông, các cuộc đàm phán về thuế quan và hệ lụy kinh tế sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Điều đó có thể tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong trung hạn, dù vẫn sẽ có các đợt điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh bất ổn còn kéo dài, giới đầu tư được khuyến nghị thận trọng, theo sát các tín hiệu kinh tế vĩ mô và động thái từ các ngân hàng trung ương lớn.