Bất ngờ kinh tế 4 tỉnh muốn lên thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập
Thứ ba, 06/05/2025 05:51
Bất ngờ kinh tế 4 tỉnh muốn lên thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập
Theo Quyết định số 891 năm 2024 về phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 7 tỉnh được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Hải Dương sáp nhập với TP Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương hợp nhất với TPHCM. Như vậy, còn 4 tỉnh gồm Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Ninh Bình vẫn nằm trong danh sách định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn tới.
Các địa phương này đều có những thế mạnh và tiềm năng riêng trong phát triển kinh tế.
Cụ thể, Bắc Ninh - cùng với Bắc Giang - là một trong hai “thủ phủ” công nghiệp lớn nhất ở khu vực miền Bắc; Khánh Hòa nghiêng về thế mạnh du lịch, đồng thời có tiềm năng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của nước ta.
Quảng Ninh tiên phong phát triển kinh tế biển và du lịch di sản. Trong khi đó, Ninh Bình có thế mạnh đa ngành, từ công nghiệp, nông nghiệp đến du lịch tâm linh và văn hóa.
Sau sáp nhập, quy mô kinh tế của 4 tỉnh định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương có điểm gì nổi bật?
Theo số liệu sơ bộ của Cục Thống kê, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành năm 2023 của Bắc Ninh (bao gồm cả Bắc Giang) đạt 401.510 tỷ đồng, xếp thứ 5 cả nước sau TPHCM, Hà Nội và TP Hải Phòng.
Trong bảng xếp hạng các địa phương có quy mô GRDP cao nhất cả nước năm 2023, Quảng Ninh với 313.595 tỷ đồng xếp thứ 7; Ninh Bình (bao gồm Hà Nam và Nam Định) xếp thứ 11 với 271.641 tỷ đồng. Còn quy mô GRDP của tỉnh Khánh Hòa (bao gồm cả Ninh Thuận) đạt 165.016 tỷ đồng.
Xét về thu ngân sách nội địa năm 2023, trong top 10 địa phương đạt mức thu cao nhất ở nước ta, Quảng Ninh xếp thứ 6 với 39.207 tỷ đồng, Bắc Ninh đứng thứ 9 với 37.812 tỷ đồng và Ninh Bình đứng thứ 10 với 36.609 tỷ đồng.
Trong 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập, Khánh Hòa xếp vị trí thứ 18 với số thu ngân sách nội địa năm 2023 đạt 19.299 tỷ đồng.
Xét về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2023, Khánh Hòa có số vốn đăng ký đầu tư lên tới gần 4,08 tỷ USD, xếp thứ ba cả nước, chỉ sau TPHCM và TP Hải Phòng.
Vốn FDI đăng ký đầu tư vào Quảng Ninh đạt gần 3,2 tỷ USD, xếp thứ 5. Vị trí thứ 6 thuộc về Bắc Ninh với hơn 2,73 tỷ USD. Ninh Bình có số vốn FDI đăng ký khá khiêm tốn, chỉ gần 997 triệu USD.
Thống kê sơ bộ từ Cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bắc Ninh trong năm 2024 đạt 70,06 tỷ USD, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đứng thứ hai chỉ sau TPHCM.
Ninh Bình trước sáp nhập nằm trong nhóm địa phương có kim ngạch xuất khẩu đạt 2-3 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất với Hà Nam và Nam Định, kim ngạch xuất khẩu của Ninh Bình đạt 16 tỷ USD.
Quảng Ninh và Khánh Hòa có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lần lượt đạt 5,99 tỷ USD và 2,33 tỷ USD.
(*Bài viết sử dụng dữ liệu từ Tư liệu kinh tế - xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2019-2023; số liệu trong Niên giám thống kê năm 2023 của Cục Thống kê; Báo cáo thống kê sơ bộ xuất nhập khẩu của Cục Hải quan.
* Trong bài viết, dữ liệu của 4 tỉnh (sau sáp nhập) được cộng gộp theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được nêu tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII).
